Nếu nước mắt bạn bỗng lăn rơi khi đọc ấn phẩm đặc biệt – “Kẹo bạc hà cho tình đầu”, cuốn sách nằm trong Tủ sách của Báo Tuổi Trẻ, được chắt lọc từ cuộc thi viết truyện ngắn trên báo Áo Trắng thì hãy nghĩ rằng chắc là do kẹo bạc hà the cay đó.
Giữa mùa trăng, Như cơn gió thoảng, Khi không là trò chơi, Giá như đường chạy hai chiều, Xứ sở những cây cầu chia ly, Chia tay tình đầu, Những cơn mưa bất chợt, Có lúc biển rất bình yên, Dư vị trà gừng, Khói bếp cay xè … 25 truyện ngắn về kỷ niệm của mối tình đầu dễ thương, rất thơ và cũng rất nhẹ như 25 viên kẹo vừa ngọt vừa cay tan đi rất nhanh nơi đầu lưỡi, để lại dư vị thơm và ấm nồng trong lòng người đọc.
“Sau
này xây nhà, tớ sẽ trồng hoa này quanh bệ cửa cho cậu nhé”
,
và đó là lời hứa của hai đứa trẻ không biết sẽ giữ được lâu đến khi nào trong
chuyện
“Ký tên, đóng dấu, sao y” của
An Minh.

Đó có khi là sự nuối tiếc, xót xa khi cả Dé và Liên – hai cô bạn thân đều đem lòng yêu Mộng trong “Giữa Mùa Trăng” của Khánh Liên. Sự hờn ghen trẻ con của Liên để sau này hối tiếc khi Dé qua đời mà chưa một lần biết được cảm giác ấm áp khi bàn tay của một người con trai mình thương nắm chặt tay mình.
Đó là khi Châu nhận ra tình yêu sâu nặng của Hoàng thì cũng là lúc anh qua đời vì căn bệnh ung thư trong truyện ngắn “Khi không là trò chơi” của Minh Vy.
Nước mắt rơi có khi không phải tại kẹo bạc hà đâu… mà tại vì “Khói bếp cay xè” đó.
Hà, nhân vật chính trong truyện ngắn “Khói bếp cay xè” của Nguyên Chương là một cô gái nghèo khó, trụ cột của hai đứa em và một người mẹ tâm thần. “Hồi đó, ai nói già, Hà đều để ngoài tai, không quan tâm. Còn từ ngày có thằng Bình về, bỗng dưng Hà sợ già. Hà cứ lăn tăn mãi trong lòng, không biết Bình có thấy nó già không?... Hà sợ nhất là mỗi lần Bình theo Hậu về chơi, rồi đi, cả tuần sau Hà còn thấy nhà trống trải”.
“Nếu biết Bình về quê lần này cùng với một người con gái, Hà đã không cắt tóc. Vì dù Hà có cắt tóc , có môi son, má phấn đi chăng nữa thì cũng không thể trẻ trung, sinh động bằng cô sinh viên năm nhất có làn da nõn nà, có đôi mắt lung linh, đôi mà lúng liếng, lúc nào cũng tay trong tay với Bình. Hà ngồi lột vỏ rổ bắp để nấu đãi khách mà lột hoài không xong”. Hà không hiểu vì sao mình lại có cảm giác đau như vậy.
Tự hỏi mình, tại sao tình đầu lại buồn và chia li nhiều vậy ? Rồi cũng tự trả lời: Có lẽ do có Đoàn Thạch Biền trong Ban tổ chức. Người thất tình muôn thuở. Chẳng phải vậy sao mà mấy cuốn sách của anh tái bản gần đây, toàn thất tình như thế: Tình nhỏ làm sao quên? Tôi thương mà em đâu có hay? Tôi hay mà em đâu có thương… Là điềm hai là dớp? Chắc cả hai.